Blogs

Giao Tiếp Tôn Trọng Với Trẻ

Nếu đã từng quan sát hoạt động trong một lớp Montessori, hẳn đa số chúng ta đều tự hỏi: Làm cách nào mà giáo viên có thể quản lý hơn 20 trẻ, trong khi bản thân mình chăm 1-2 con ở nhà đã khá vất vả? Giá mà mình cũng có kỹ năng và sự kiên nhẫn như vậy!

Trước khi có con, tôi cũng có nhiều năm làm giáo viên. Tuy nhiên tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhận ra kinh nghiệm nhiều năm trong môi trường Montessori vẫn chưa hề chuẩn bị đủ cho tôi trong vai trò làm mẹ. Dù cho Maria Montessori luôn chú trọng vào việc đào tạo chuyên sâu cho giáo viên, nhưng rất ít phụ huynh được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng trong hành trình làm cha mẹ. May mắn là tôi đã tìm thấy một quyển sách giúp tôi vận dụng lý thuyết Montessori vào việc nuôi dạy con một cách hiệu quả hơn: Nói sao để trẻ chịu nghe, nghe sao để trẻ chịu nói của Adele Faber và Elaine Mazlish.

Một số ý tưởng trích dẫn từ cuốn sách này thực sự là công cụ hữu ích cho nhiều phụ huynh. Tuyệt vời hơn là những kỹ năng này có thể ứng dụng linh hoạt trong nhiều tình huống và đối tượng khác nhau trong cuộc sống.

Học cách quan sát và lắng nghe

Montessori nhấn mạnh rằng người lớn cần đứng ngoài và tỉ mỉ quan sát trẻ tự thực hiện hoạt động. Điều này cũng thể hiện một nguyên tắc cốt lõi khác trong Montessori, đó là sự tôn trọng đối với trẻ. Người lớn chúng ta thường dễ vội kết luận và can dự vào hoạt động của trẻ mà quên là mình cần tiết chế, cẩn thận xem xét trẻ đang làm gì, nghĩ gì và cảm thấy thế nào. Hãy đặt điện thoại xuống, tắt tivi, dõi theo và nhìn vào mắt trẻ khi nói chuyện.

  • Hãy tập quan sát và giữ im lặng trước.
  • Lắng nghe chính mình và trẻ – nếu có cảm giác thất vọng hay tức giận, hãy viết ra những điều muốn nói, nhưng đừng vội nói ra ngay.
  • Cố gắng đừng vội sửa đổi hay giải quyết bất kì vấn đề gì – chỉ đơn giản là ở bên cạnh trẻ.

Đặt tên cho cảm xúc

Khi trẻ buồn bực, ba mẹ và người thân thường lo lắng theo, dẫn đến việc chúng ta có xu hướng giảm nhẹ cảm xúc của trẻ hoặc cố gắng bảo vệ trẻ khỏi sự thất vọng. Tuy nhiên, về lâu dài, sẽ có ích lợi cho trẻ hơn nếu chúng ta giúp trẻ nhận biết và học hỏi từ cảm xúc của chính mình. Giống như cách các học cụ Montessori giúp trẻ học các khái niệm và từ vựng, suy nghĩ và cảm nhận của trẻ cũng có thể được xác định và gọi tên. Hãy nhớ điều chỉnh cách diễn đạt để phù hợp với độ tuổi của trẻ.

  • Lắng nghe khi trẻ chia sẻ, và hồi đáp để trẻ cảm thấy được lắng nghe: “Ồ…”; “Ừm…”; “Vậy hả con.”
  • Nhận biết và gọi tên cảm xúc của trẻ: “Con có vẻ đang buồn bực (hoặc giận, hoặc vui)…”
  • Tránh đặt ra và trả lời những câu hỏi mang tính trách móc hoặc buộc tội: “Con đang nghĩ gì vậy?”; “Ai đã uống hết sữa?”; “Mẹ (Ba) đã nói bao nhiêu lần rồi…?”
  • Cố gắng thấu hiểu từ góc nhìn của trẻ và diễn tả lại, có thể bằng cách hình dung: “Nghe có vẻ như con muốn ăn bánh quy trong mỗi bữa ăn.”
  • Thể hiện sự tôn trọng với khó khăn mà trẻ đang gặp phải: “Mẹ (Ba) thấy việc này khá khó cho con…”
  • Mô tả tình huống khó xử mà trẻ đang đối mặt: “Dù con biết là…” “Vấn đề là…”

Khuyến khích sự hợp tác

Đảm bảo mọi sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình diễn ra đúng kế hoạch là việc không hề dễ dàng – từ ăn uống, nghỉ ngơi đến các hoạt động khác, đặc biệt khi lịch trình và nhu cầu cũng như mong muốn của mỗi trẻ là khác nhau, và khác với người lớn.

Montessori tin rằng trẻ luôn tự hào khi hoàn thành tốt công việc được giao theo đúng khả năng của mình. Hãy sắp xếp nhà cửa sao cho trẻ không phải phụ thuộc vào người lớn trong mọi việc, đồng thời cho trẻ thời gian và hướng dẫn cần thiết để trẻ trở nên độc lập và làm tốt việc nhà. Ba mẹ sẽ thấy mình không cần tốn công sức hối thúc hay la mắng nữa.

  • Việc đầu tiên là ghi nhận cảm giác của con: “Sáng nay con thấy nằm trên giường dễ chịu ha.”
  • Cho con tự lựa chọn: “Con thích mặc áo đỏ hay áo xanh?”
  • Hài hước một chút: “Con mà là nhà ảo thuật thì giờ này đã mặc xong quần áo rồi đấy!”
  • Thay vì nhắc nhở, chỉ cần mô tả tình huống: “Bàn này cần được dọn nè.”
  • Nói ngắn gọn những thông tin trẻ cần nghe, thay vì càm ràm lặp đi lặp lại: “Giày, ba lô…?”
  • Viết ghi chú: “Mình đói quá” lên vòng cổ của thú cưng hoặc “Treo mình lên nhé!” trên áo khoác.
  • Cùng trẻ làm việc mà không chì chiết: “Chúng ta cùng dọn đồ chơi, cất màu vẽ rồi ra ngoài chơi nhé!”

Hãy kiên nhẫn khi áp dụng những kỹ năng mới này. Mọi thứ cần có thời gian và thực hành – nhưng kết quả sẽ rất đáng giá. Như Faber và Mazlish đã nói: “Chúng ta muốn con hành xử đúng mực và tôn trọng với chúng ta thì chính mình cần làm gương cho con – ngay bây giờ, khi con dần lớn lên, và sau này khi trẻ trở thành những người bạn trưởng thành của chúng ta” (1982, trang 88).

 

Nguồn tham khảo

Faber, A. & Mazlish, E. (1982.) How to talk so kids will listen and listen so kids will talk. New York, NY: Avon Books.

 

Đôi nét về tác giả

Thạc sĩ JANE M. JACOBS là nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, đồng thời là cố vấn giáo dục tại Montessori Services. Bà có kinh nghiệm giảng dạy trẻ từ 2 đến 7 tuổi tại các trường Montessori, chương trình Head Start và trường mầm non dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Bà sở hữu chứng chỉ được cấp bởi Hiệp hội Montessori Mỹ (AMS) (Giáo dục Mầm non). Liên hệ qua: jjacobs@montessoriservices.com

 

Bài viết này của tác giả JANE M. JACOBS được đăng tải trên trang web chính thức của Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (AMS). Trường Montessori Việt Nam (MIS) đã nhận được sự đồng ý bằng văn bản từ AMS để đăng lại bài viết này trên website của trường, bao gồm cả bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt. Trong đó bản dịch tiếng Việt thuộc bản quyền của Trường Montessori Việt Nam, mọi việc sao chép bản gốc và bản dịch từ trang web này cần có sự đồng ý bằng văn bản từ MIS.

Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (AMS)

Là tổ chức hàng đầu trong việc phát triển và hỗ trợ giáo dục Montessori trên toàn cầu, AMS cung cấp, tổ chức đào tạo và hỗ trợ trường học, giáo viên, phụ huynh nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả của phương pháp Montessori.

Tham khảo bài viết của AMS tại đây: https://amshq.org/Blog/2023-10-02-Talking-Respectfully-to-Your-Children

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *