Buổi sáng thứ Bảy se lạnh tại chợ nông sản Denver, mùi ớt rang phảng phất trong không khí. Một cô bé trạc 10 tuổi nắm tay ba, xếp hàng chờ mua bánh burrito. Trong chiếc quần jean ôm sát, áo nỉ, răng đeo niềng, cô bé lắc lư theo điệu nhạc guitar hòa cùng mandolin phát ra gần đó.
Đồ ăn trong tay, hai cha con ngồi đối diện nhau tại một chiếc bàn nhỏ trong quán cà phê. Cô bé nhìn ba đầy trìu mến khi chuẩn bị cắn miếng bánh đầu tiên.
Ngay khoảnh khắc quý giá ấy, ba cô bé bỗng rút từ trong túi ra chiếc điện thoại. Đôi mắt cô bé lập tức chuyển sang món đồ đó – kẻ thù đáng ghét sẽ lại một lần nữa cướp mất ba khỏi cô.
Mải mê với điện thoại, người cha không nhận ra con gái đang ngồi lùi ra xa khỏi bàn, ánh mắt trở nên thờ thẫn, lơ đãng nhìn dòng người qua lại và chấp nhận sự thật phũ phàng nhưng đã quá quen thuộc: bất cứ lúc nào, ba cũng có thể bỏ quên cô, rời bỏ không gian thân mật của hai cha con để chìm đắm vào thế giới khác, khi đã dán mắt vào điện thoại.
Câu chuyện có thật này không hề cá biệt: Theo ghi nhận, không thiếu các trường hợp phụ huynh thường xuyên sử dụng thiết bị di động ngay trước mặt con cái. Trẻ đã dần quen với việc khoảng thời gian quý giá bên cha mẹ bị gián đoạn khi họ mải bận tâm với cuộc sống điện tử, quên mất rằng con ở cạnh bên mà chẳng màng xin lỗi hay xin phép. Sự xuất hiện thường xuyên của các thiết bị điện tử trên bàn ăn, khi đi dạo, trên xe hay lúc nghỉ ngơi, đã gửi đến bọn trẻ một thông điệp rằng: giờ đây, con chỉ có thể hoặc tranh giành, hoặc chấp nhận việc chia sẻ sự quan tâm của cha mẹ với những vật vô tri này.
Một số trẻ cố tình nổi loạn vì nghĩ rằng chỉ cần được cha mẹ chú ý, dù là tiêu cực, cũng còn hơn là bị bỏ rơi. Một số khác thì chấp nhận tình trạng này và thậm chí bắt chước hành vi của họ, cũng đòi hỏi một thiết bị di động cho chính mình.
Một nghiên cứu mới của Common Sense Media cho thấy “số trẻ em sử dụng phương tiện truyền thông di động đã tăng gấp đôi so với cách đây hai năm, với thời gian sử dụng trung bình đã tăng gấp ba” (2013, trang 9).
Việc cha mẹ xao lãng trước mặt con cái chính là ngầm cho phép việc không thực sự hiện diện khi ở bên người thân. Trẻ con rất nhanh học được rằng lúc nào cũng chăm chú vào thiết bị di động là một giá trị được thừa nhận của gia đình.
Thực ra trẻ cảm thấy ra sao khi cha mẹ sử dụng thiết bị di động trước mặt mình? Trong cuốn sách Alone Together: Why We Expect More from Technology and Less from Each Other (tạm dịch: Cô Đơn Giữa Đám Đông: Tại Sao Chúng Ta Lại Trông Đợi Nhiều Hơn Những Thiết bị Công Nghệ Và Ít Hơn Từ Nhau), Sherry Turkle thuật lại lời than phiền của một cậu bé, rằng cậu dễ dàng chấp nhận hơn khi ba mình làm việc ở bàn với máy tính, thay vì ngồi bên cạnh cậu với chiếc điện thoại trên tay, mặc dù có mặt nhưng lại không hề chú tâm đến cậu.
Turkle chia sẻ, “Trẻ em vốn phải luôn cố gắng để giành sự quan tâm của cha mẹ… từ nhiều thứ: công việc và bạn bè của họ, hoặc anh chị em của mình. Ngày nay, trẻ lại phải đối mặt với tình trạng cha mẹ ở ngay trước mắt, nhưng tâm trí họ lại mải mê ở nơi khác’. (2011, P. 267)
Trẻ cần và xứng đáng được quan tâm trọn vẹn khi ở cùng chúng ta. Vậy cha mẹ nên làm gì?
- Hãy cất hẳn điện thoại khi ở cùng con. Tốt hơn là tắt nguồn và để ở phòng khác. Nếu thực sự cần sử dụng, hãy giải thích với trẻ và đi ra ngoài nhận cuộc gọi. Hãy nói chuyện ngắn gọn để quay lại với con nhanh nhất có thể, và xin lỗi con vì sự gián đoạn – bởi đúng như vậy, đó thực sự là một sự gián đoạn trong chính khoảnh khắc quý giá mà bạn dành cho con. Gửi tin nhắn thoại, email, hay tin nhắn cũng nên được thực hiện tương tự.
- Nếu cần tra cứu thông tin khi ở bên cạnh trẻ, hãy hỏi ý kiến con trước khi làm vậy. Đây là một thói quen tốt mà bạn nên duy trì khi ở cùng người khác.
- Quyết tâm chấm dứt việc tự biện minh rằng sử dụng thiết bị điện tử trước mặt con không thể hiện sự lơ đễnh. Thực tế, đó chính là sự lơ đễnh, và nó gây tổn thương sâu sắc cho trẻ.
Tài liệu tham khảo:
Common Sense Media (2013). Zero to eight: Children’s media use in America. www.commonsense.org/research.
Turkle, S. (2011). Alone together: Why we expect more from technology and less from each other. New York: Basic Books.
Thạc sĩ P. DONOHUE SHORTRIDGE, là một diễn giả tại các hội thảo Montessori và là cố vấn cho các trường Montessori, chuyên tổ chức các buổi đào tạo phát triển nhân sự và hội thảo dành cho phụ huynh. Bà có chứng nhận AMS (Sơ sinh & Mầm non, Mẫu giáo). Tham khảo thêm trang web của bà tại http://www.pdonohueshortridge.com./
Bài viết này của tác giả P. DONOHUE SHORTRIDGE được đăng tải trên trang web chính thức của Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (AMS). Trường Montessori Việt Nam (MIS) đã nhận được sự đồng ý bằng văn bản từ AMS để đăng lại bài viết này trên website của trường, bao gồm cả bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt. Trong đó bản dịch tiếng Việt thuộc bản quyền của Trường Montessori Việt Nam, mọi việc sao chép bản gốc và bản dịch từ trang web này cần có sự đồng ý bằng văn bản từ MIS.
Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (AMS)
Là tổ chức hàng đầu trong việc phát triển và hỗ trợ giáo dục Montessori trên toàn cầu, AMS cung cấp, tổ chức đào tạo và hỗ trợ trường học, giáo viên, phụ huynh nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả của phương pháp Montessori.
Tham khảo bài viết của AMS tại đây: https://amshq.org/-/media/Files/AMSHQ/Families/Reading-Materials/Parent-article.ashx?la=en